Tìm hiểu Vũ khí của người Việt cổ đại (Phần 2)

Cung nỏ Bách Việt – Võ công Hoa Sơn Qua Khảo Cổ và Cổ tích

Ở phía Nam tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, dọc theo hai dòng sông Minh Giang và Tả Giang là những vách đá của dẫy Hoa Sơn dài hàng trăm cây số còn lưu lại nhiều bích họa được thực hiện từ thời xa xưa ghi lại sinh hoạt , kể cả chiến tranh và thời thượng cổ của một dân tộc thiểu số miền Nam Trung Quốc, dân tộc Choang. Hiện người ta còn đếm được khoảng trên 50 bức bích họa lớn nhỏ khác nhau trên nền tranh vách đá thẳng đứng bên các dòng sông uốn khúc tại đây ; có bức dài tới 130 mét, cao 40 mét ghi vẽ chạm khắc trên mặt đá khoảng 3000 người và vật với những tư thế luyện võ và chiến đấu tay không hay sử dụng binh khí của tổ tiên người Choang ở Hoa Nam. Nổi tiếng nhất là tấm bích họa ở gần thành Ninh Minh, Hoa Sơn.

Sách Ninh Minh Châu Chí ghi : Núi Hoa Sơn cách thành 50 dặm, trong vách đá đứng dựng có những hình người màu đỏ, tất cả đều trần truồng, hoặc to hoặc nhỏ, hoặc cầm giáo gậy hoặc cưỡi ngựa; trước khi có loạn, sắc màu sáng sủa, loạn qua rồi màu sắc ảm đạm. Men theo bờ sông, một con đường giữa hai bờ sông, trên vách đã hình vẽ như thế có nhiều.

Nói về những hình võ trên vách đá Hoa Sơn, sách Võ Thuật Thần Kỳ của Trịnh Cần và Điền Vân Thanh viết : Tranh vách đá Hoa Sơn vẽ người đường nét đơn giản, chắc khỏe, động tác chiêu thức rõ ràng, phát lực tràn trề. Thần thái thì oai võ, phần lớn đứng mã bộ và thế tấn nửa mã bộ, linh hoạt ẩn hiện, sinh động như thật.

Vật phẩm trong tranh vách đá ở Hoa Sơn cũng tạo hình sống động, kết cấu nghiêm ngặt, có trống đồng, đao có vòng ở đầu (hoàn thủ đao), trường thương, phiêu ném (thủ phiêu) mã tấu, kiếm, nỏ núi (sơn nỗ), tên tre v.v… đủ nói lên tình hình phát triển võ thuật của dân tộc Choang Quảng Tây thời ấy đã hừng hực, khí giới dùng trong võ thuật cũng phức tạp, đa dạng.

Ngoài những thứ kể trên ra, trong nhóm tượng ở Ninh Minh Hoa Sơn có một con vật bốn chân tướng mạo như chó sói một tay cầm phi đà (quả cân ném, một kiểu lưu tinh chùy), lưng đeo bảo kiếm, hai chân gập gối dạng ra khuỵu xuống, ưỡn ngực, đè hông thành tấn mã bộ vững vàng trầm chắc. Xem ra có lẽ đó là vật tổ của dân Choang có võ công thật phi phàm.

Võ công trên vách đá Hoa Sơn của dân tộc Choang đã là nguồn cảm hứng dồi dào cho tác giả Kim Dung tạo dựng những tình tiết độc đáo trong các bộ tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng sau này.

Choang là một sắc tộc thiểu số ở Trung Quốc có số nhân khẩu lớn nhất, 23 triệu người theo thống kê năm 1982, trong đó khoảng 22 triệu người sinh sống tập trung tại Quảng Tây, số còn lại sống rải rác tại các miền Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam, Quảng Đông, v.v. . . thuộc miền nam Trung Quốc.

Ban do Trung Quoc hien nay Tìm hiểu Vũ khí của người Việt cổ đại (Phần 2)

Các tiếp giáp với Việt Nam là các tỉnh Quảng Đông,Quảng Tây, Vân Nam.

Cũng như dân tộc Việt Nam, dân tộc Choang là một chi phái của Bách Việt xa xưa mà cổ thư thường đề cập về dân tộc này với những tên khác nhau, ở Trung Quốc cũng như tại Việt Nam, như Bộc, Ấu, Việt, Mai, Liêu, Choang, Đặng, Ô-hử, Tổn Tử, , Sản Lý, Bách Bộc, Cửu Khốn, v.v. . .. Đến thời nhà Minh, người Trung Quốc gọi tên dân tộc Choang là người Lang. Tên gọi Choang hay Trang là từ có âm Zhuang thời nhà Tống. Người Choang cũng sinh sống nhiều tại các tỉnh Cao Bằng , Lạng Sơn của Việt Nam, và theo Hoàng Xuân Hãn, được ta phân biệt các sắc dân ấy bằng tên họ như họ Hoàng, họ Vi, họ Nùng, họ Chu, họ Giáp, v.v. . .

Ở Vân Nam(TQ), người Choang còn được gọi là người Băng Long (ngày xưa người Hán gọi họ là Bộc nhân). Người Choang Vân Nam xưa nay tính dũng cảm, thích võ. Họ gọi võ thuật do tổ tiên truyền lại là tả quyền vì khi tỉ thí võ công, trái đấm tay trái là trái đấm mãnh liệt cuối cùng quyết định thắng bại (tả quyền định thắng bại), họ dùng bài võ cổ truyền linh hoạt và đa biến để nghênh chiến đối phương, nhè lúc đối thủ không phòng bị cuối cùng dùng tay trái ra tuyệt chiêu mà đắc thắng chắc chắn.

Theo sách Kinh Thư, một cổ sử do Khổng Tử san định, tổ tiên người Choang (Vi, Bộc) được xem là một trong những nhóm Bách Việt đã hợp tác với Chu Võ Vương tạo một liên minh quân sự để tiêu diệt vua Trụ thành lập nhà Tây Chu (1134-770 trước tây lịch). Trong sách Thượng Thư do Nhượng Tống dịch và chú giải có đoạn ghi : Vua (Chu Vũ Vương) nói : Hỡi các chúa các nước bạn ta! Hỡi các quan coi việc ! Nào Tư Đồ, Tư Mã, Tư Không, Á Lữ, Sư Thị, Thiên Phu Trưởng ! Cùng người các xứ Dung, Thục Khương, Mao, Vi, Lô, Bành, Bộc ! Giơ mác lên ! Dựng đứng ngọn giáo ! Ta thề đây !.

Ngày nay, những người Choang ở Quảng Tây tự xưng tên dân tộc mình với khoảng 20 tên gọi khác nhau, thông dụng nhất là Bố Choang, Bố Thổ, Bố Ỷ, Bố Bản, Bố Việt, v.v. . . với ý nghĩa là dân bản địa ở đây. Từ BỐ hay PO, BẾ, . . . làm chúng ta liên tưởng trực tiếp đến ngôn ngữ có nguồn gốc Nam Á . Ví dụ các dân tộc ở Việt Nam, Chăm có tên gọi như Bố Cái Đại Vương (Việt), Po Romé, Po Nagar(Chăm), hay Poropudua (Indonesia), . . . hoặc tên họ như Bố Thuận, Bế Khắc Thiệu, Bố Xuân Hội . . .

Dân tộc Choang Quảng Tây có tiếng nói riêng, thuộc ngữ tộc Choang-Đồng, ngữ chi Tày-Nùng, và dĩ nhiên, trong sự giao lưu đồng hóa của người Hán, ngôn ngữ Choang cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của ngữ hệ Hán-Tạng. Giống như phương cách cấu tạo chữ Nôm của Việt Nam, dân tộc Choang đã sử dụng chữ Hán, cách nay cả ngàn năm, để tạo thành chữ riêng của họ, gọi là Thổ Tục Tự để ký âm tiếng nói địa phương của họ, cho đến ngày nay ca khúc dân gian và sách bùa chú vẫn còn sử dụng thứ chữ nầy để ghi chép. Có điều là dân tộc này có quá nhiều phương ngữ nên cách viết và ghi chép không thống nhất nhau cho nên chỉ được dùng trong một phạm vi rất hạn hẹp. Ngày nay họ bắt đầu dùng mẫu tự Latin để ký âm tiếng nói của họ.

Theo di tích khai quật được, dân tộc nầy còn có một lịch sử cổ xa xưa hơn nữa. Thí dụ: Thời Đồ đá cũ có thi hài của giống người “Liễu giang” mang đầy đủ nét đặc trưng của dân tộc Choang ngày nay. Thời Đồ đá mới tại di chỉ Ngoạ Bì Nham ở thành phố Quế Lâm, có đào thấy xương cốt của một giống người tương tự như tướng mạo người Choang hiện tại. Chứng cớ này cho thấy 50 ngàn năm trước đây dân tộc Choang đã có mặt và sinh sống trong vùng này.
Do sự áp bức và cai trị đồng hóa của người Hán, người Choang đã nhiều lần nổi dậy chống đối suốt quá trình lịch sử cho đến cuối thế kỷ 19.

Hậu Hán Thư ghi : Đời Linh-đế, năm thứ ba hiệu Kiến-ninh (năm 170 sau Công nguyên), viên thái thú Uất-lâm là Cốc Vĩnh đã xâm chiếm đất đai Ô-hử (Quảng Tây), đặt thành 7 huyện, cư dân gồm hơn 10 vạn người. Thế là dân Ô-hử bắt đầu bị chính quyền Đông Hán áp bức, bóc lột . . . Năm 178, (Quang Hòa thứ nhất) tháng giêng, nhân dân Hợp-phố Giao-chỉ, Ô-hử, đã nổi dậy, lôi kéo theo cả hàng vạn nhân dân hai quận Cửu Châu, Nhật Nam, khắp nơi nổi dậy đánh chiếm các quận huyện (Hậu Hán Thư q.8, 6a – q.116, 8b).

Sách Lịch Sử Chế Độ Phong Kiến Việt Nam ghi thêm : Tình hình ở Nam Trung quốc còn là gần như không khi nào dược yên luôn trong ba ngày huống chi tình hình ở Giao châu vì vậy mâu thuẫn giữa nhân dân và bọn thống trị phong kiến thực dân lại càng thêm sâu sắc. Khởi nghĩa của nhân dân mỗi khi có cơ hội thuận tiện liền nổ ra ngay.

Tân Đường Thư (q.80, 11a) cho biết năm 819 người Man Hoàng động (thuộc tộc Choang -TG) lại nổi loạn . . .

Sử cũ ghi những cuộc khởi nghĩa mà người Hán gọi là giặc như giặc Hoàng Cân thời Đông Hán, giặc Hoàng Sào thời nhà Đường, giặc Nùng Chí Cao thời Tống, giặc Hồng Tú Toàn thời Mãn Thanh, . . đều là những cuộc quật khởi của người Choang chống người Hán cai trị . Hoàng Cân cũng nhừ Hồng Tú Toàn đã lập đạo Thái Bình. Theo sử gia Phan Khoang , Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn, thời Thanh đã thu phục được 16 tỉnh ở Hoa Nam lập thành nhà nước độc lập kéo dài 15 năm (1850-1864) đóng đô ở Nam Kinh (Thiên Kinh).

Ở Việt Nam thời Lê Sơ tại tỉnh Cao Bằng có một sự kiện lịch sử liên quan tới cung nỏ của người Choang được ghi trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí : Đời Lê Thuận Thiên, đầu mục thiên thần là Bế Khắc Thiệu nghe tin thổ tù Nông Đắc Thái được thần cho cung tên bằng đồng, hễ bắn phát nào là tin, không phát nào là không trúng, bèn cho người mời Đắc Thái đến, cho làm Võ Kính Tướng quân, rồi đánh thuốc độc giết đi, chiếm lấy cung tên. Khắc Thiệu tự cho là được quỉ thần giúp sức, bèn có ý hùng cứ. Lê Thái Tổ tự làm tướng đi đánh, Khắc Thiệu giương cung bắn, không thấy ứng nghiệm, nên bị Lê Thái tổ bắt được.

Chúng ta chưa đủ điều kiện để thăm dò, khảo sát những vách đá dọc theo bờ các sông Mãng, sông Hiến, sông Cổn , sông Huề chảy qua tỉnh Cao Bằng, nơi sinh tụ đông đảo người Choang ở Việt Nam, để kiếm tìm, phát hiện di tích của tổ tiên người Choang và biết đâu ta củng có thể tìm được di sản võ công của họ như đã thấy tại Hoa Sơn miền nam Trung quốc.

Người Choang, ngoài mặt nhân chủng học, về phong tục học, có nhiều điểm khác người Hán nhưng lại giống người Việt phương nam, ví dụ tục nhuộm răng đen, xâm mình, . . . , hoặc những chuyện kể dân gian. Dưới đây chỉ nêu ra một vài chuyện liên quan tới cung nỏ, như Thần Tiễn Thủ Hậu Nghệ, Thần Cung Bảo Kiếm.

Thần Tiễn Thủ Hậu Nghệ

(Lược trích từ Lịch Sử Trung Quốc Năm Ngàn Năm của Lâm Hán Đạt và Tào Dư Chương, do Trần Ngọc Thuận dịch)

Hậu Nghệ, thủ lãnh người Man Di (ngôn từ miệt thị của người Hán gọi người Bách Việt phương nam), là tay thiện xạ thường bắn trăm phát trúng cả trăm. Thần thoại kể rằng, thời cổ trên không có tới mười mặt trời, mặt đất nóng như thiêu, làm cháy hết hoa mầu. Mọi người xin Hậu Nghệ nghĩ cách giải quyết. Hậu Nghệ giương cung bắn liền mấy phát, làm chín mặt trời rụng xuống, chỉ để lại một mặt trời như ngày nay. Vì vậy, khí hậu trái đất trở nên ôn hòa, không còn khô hạn nữa. Lại nói thời cổ trên các dòng sông có nhiều thủy quái, thường gây nên sóng gió, tạo thành thủy tai, làm ngập hết hoa mầu, nhấn chìm người và gia súc. Hậu Nghệ lại dùng cung tên, bắn giết hết quái vật, mang lại cho dân tộc cuộc sống yên bình.

Những thần thoại đó chứng tỏ tài bắn cung của Hậu Nghệ rất cao cường, được mọi người công nhận.

Hết

Phan Quỳnh

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>